Hợp âm là ‘nguyên liệu’ quan trọng tạo nên một bản nhạc hoàn chỉnh. Trong việc đệm một bài hát, nó là thứ làm nền giúp cho phần giai điệu của ca sĩ diễn ra đầy đặn, cảm xúc và cuốn hút.
Hợp âm trong âm nhạc là gì?
Hợp âm là hai hoặc nhiều nốt khác nhau (thường là ba nốt trở lên) được chơi cùng lúc.
Chúng có thể được chơi trên một nhạc cụ đa âm (như guitar hoặc piano ). Nhạc cụ đa âm có khả năng tạo ra nhiều hơn một nốt nhạc cùng một lúc. Nhạc cụ đơn âm bị giới hạn ở việc tạo ra một nốt nhạc tại một thời điểm, tuy nhiên cũng có thể tạo ra hợp âm khi nhiều nhạc cụ đơn âm (như tam tấu, tứ tấu…) chơi hòa âm với nhau.
Có các loại hợp âm nào?
Như đã đề cập trước đó, có nhiều loại hợp âm khác nhau và mỗi loại có một màu sắc riêng.
Đối với mục đích của bài viết này, trọng tâm sẽ là các hợp âm trưởng và thứ. Đó là 2 loại phổ biến nhất và cũng dễ dàng để học nhất trong các loại hợp âm do được cấu tạo bởi chỉ 3 nốt nhạc.
Để nắm được bản chất và cách thực hành 2 loại này bạn hãy đảm bảo đã hiểu về các nốt nhạc cơ bản và khoảng cách cung giữa chúng.
Hợp âm trưởng
Hợp âm trưởng được xây dựng từ một nốt gốc, nốt thứ hai cao hơn nốt gốc 2 cung và nốt thứ ba cao hơn nốt thứ hai 1.5 cung.
Ví dụ hợp âm C sẽ bao gồm: nốt gốc C, nốt thứ hai là E cách C 2 cung, và nốt thứ ba là G cách E 1.5 cung.
Hợp âm thứ
Hợp âm thứ được xây dựng từ một nốt gốc, nốt thứ hai cao hơn nốt gốc 1.5 cung và nốt thứ ba cao hơn nốt thứ hai 2 cung.
Ví dụ hợp âm Am sẽ bao gồm: nốt gốc A, nốt thứ hai là C cách A 1.5 cung, và nốt thứ ba là E cách C 2 cung.
Bản chất cấu tạo nên hợp âm là như vậy, các loại khác sẽ có công thức cấu tạo khác. Chỉ với 2 loại trên là bạn đã có thể chơi được ở mức cơ bản hầu hết các bài hát có hoà âm đơn giản hiện nay.
Các loại khác bạn sẽ cần tìm hiểu khi đã thành thạo 2 loại này.
Các loại hợp âm khác
Giống như màu sắc trong hội hoạ, các hợp âm cũng có nhiều loại khác nhau với màu sắc âm nhạc khác biệt và đặc trưng. Một số loại phổ biến khác mà bạn sẽ gặp trong quá trình tập luyện là:
- Hợp âm giảm
- Hợp âm trưởng bảy (C7, B7…)
- Hợp âm thứ bảy (Am7, Bm7…)
- Hợp âm bảy chủ đạo (Cmaj7, Dmaj7…)
- Hợp âm treo (sus2, sus4)
- Hợp âm tăng
- Hợp âm mở rộng (Hợp âm chín, hợp âm mười một, v.v.)
Hợp âm đảo bass (C/E, Em/G, D/F#…) không được coi là một loại hợp âm vì bản chất đây là sự hoà âm của các nhạc cụ khác nhau, thông thường nhất là hoà âm với guitar bass chơi nốt bass khác biệt với âm gốc của hợp âm.
Tức là hợp âm D/F# bản chất vẫn là hợp âm D, tuy nhiên hoà âm đoạn này guitar bass sẽ chơi nốt F# thay vì nốt D nên tạo ra sự hoà âm D/F#. Tất nhiên trong các tình huống chỉ chơi bằng một guitar hay piano thì người chơi sẽ phải đảm nhận cả phần bè bass, thế tay hợp âm khi đó thay đổi và tạo ra hoà âm dạng này.
Trong các trường hợp, đoạn nhạc cụ thể, ta có thể sử dụng hợp âm trưởng và thứ thay thế các hợp âm trên, tuy nhiên, màu sắc và hiệu quả âm nhạc sẽ kém và không thuyết phục được người nghe khó tính.
Đó là lý do vì sao ở giai đoạn phát triển tiếp theo, bạn nhất thiết phải sử dụng thành thạo các hợp âm khác này. Còn bây giờ hãy thành thạo hai loại hợp âm trưởng và thứ.
Sơ đồ thế bấm hợp âm trên guitar
Các thế bấm hợp âm trên đàn là những thực hành quan trọng nhất giúp bạn bắt đầu chơi đàn, nó có các quy ước chung cần nắm được.

- 6 đường kẻ dọc là thể hiện 6 dây đàn guitar với dây E số 6 là đường kẻ ngoài cùng bên trái, tuần tự đến dây E số 1 là đường kẻ ngoài cùng bên phải.
- Các đường kẻ nằm ngang thể hiện các phím đàn, với đường kẻ đầu tiên là phím số 0 trên đầu cần đàn.
- Các hình tròn đen với số 1 2 3 bên trong là vị trí phim đàn và số ngón tay bên trái bạn cần đặt vào để tạo ra thế bấm của hợp âm.
- Trong các thể bấm, nếu có ký hiệu X ở trên cùng của dây nào thì nghĩa là không gảy tay phải vào dây đó
- Ngược lại ký hiệu O là cần gảy vào và gảy vào dây được gảy đầu tiên bên trái tuần tự đến dây ngoài cùng bên phải.
- Ký hiệu ngón tay số 1 kéo dài ở nhiều dây tại hợp âm D hoặc F thể hiện rằng bạn cần dùng ngón tay số 1 chặn vào các dây tương ứng, việc này không quá khó kể cả với các bạn lần đầu tiếp cận nên đừng e ngại, hãy kiên trì tập kỹ.
- Tay bên trái bấm các thế bấm, tay bên phải gảy đúng các dây tương ứng là bạn đã hoàn thành bài tập thực hành đầu tiên với thế bấm các hợp âm. Đồng thời hãy nhớ tên gọi, ký hiệu và sơ đồ thế bấm của chúng.
Phần giới thiệu về hợp âm sẽ dừng tại đây, sau khi thành thạo các vấn đề trên bạn sẽ cần thực hành tiếp các bài tập tiếp theo, nó sẽ thú vị và hứng khởi hơn nhiều.
Cập nhật mới nhất vào 09/05/2025 bởi
| Xuất bản: 25/08/2024