Gam, tông và giọng là 3 khái niệm đang được dùng với nghĩa và ngữ cảnh tương đương trong đời sống chơi nhạc hiện tại. Tuy nhiên hợp âm khác với gam, rất nhiều người chưa hiểu hoặc nhầm lẫn 2 khái niệm này, nghĩ nó là một.
Gam là gì?
Khi chơi nhạc, giao lưu hay biểu diễn, người ca sĩ thường báo với người đệm đàn các yêu cầu kiểu như: ‘Cho em tông La thứ nhé’. Gam, tông, hay là giọng trong tình huống đó chính là La thứ. Tức là người đó muốn hát bài hát đó ở giọng La thứ thì sẽ thoải mái và hay nhất.
Chỉ khi biết được gam trong tình huống này thì người đệm đàn mới bắt đầu chơi được. Vì thế gam là chìa khoá đầu tiên để người đệm đàn/chơi nhạc/ban nhạc xác định bản nhạc đó sẽ được chơi như thế nào.
Gam của một bài hát có hai loại là gam dành cho nam và nữ. Hai giới tính này có đặc điểm cấu tạo cổ họng khác nhau nên đặc trưng độ cao âm thanh khác nhau.
Ngoài ra mỗi người dù là nam hay nữ thì khả năng lên cao, xuống thấp khi hát cũng khác nhau, có thể do bản năng hoặc do được tập luyện, nên cùng giới tính thì cũng có sự khác biệt về gam khi hát cùng một bài hát. Ví dụ cùng là nam nhưng Bằng Kiều hát ‘Phút cuối’ ở gam La trưởng, nhưng các ca sĩ khác sẽ hát ở Sol trưởng. Đó là điều bình thường trong âm nhạc.
Ở level đầu tiên của việc tập đàn, bạn chỉ cần biết như vậy là đủ, những điều nâng cao hơn sẽ cần thiết cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Phân biệt với hợp âm
Tên của Gam giống hệt với tên của hai loại hợp âm Trưởng và Thứ. Tức là Gam cũng được đặt tên là La trưởng, La thứ, Si trưởng, Si thứ…, tuy nhiên khác với hợp âm có rất nhiều loại (7, sus, dim, aug…), gam chỉ có hai loại này. Do đó, ứng với 12 nốt nhạc thì chúng ta chỉ có 24 gam khác nhau.
Thông thường hợp âm khởi đầu khi đệm một bài hát chính là gam của bài hát đó, tất nhiên không phải 100%, chỉ là thông thường. Do đó nhìn vào hợp âm đầu tiên, bạn có thể biết được bài này đang được viết ở gam gì. Minh hoạ ví dụ sau:
Hợp âm C mở đầu cho đoạn nhạc trên chính là Gam đang được viết cho bản nhạc đó. Trong quá trình thực hành chơi các hợp âm này nhiều bạn sẽ nhận ra nếu hợp âm mở đầu là C, tức là gam C, thì các hợp âm tiếp theo dùng để đệm bài hát đó sẽ chỉ loanh quanh đâu đó 5-7 hợp âm khác nhau.
Gam đóng vai trò là tông, giọng mà người hát muốn hát bài hát đó, để đệm cho người hát, người đệm đàn sẽ sử dụng chủ yếu các hợp âm ‘thuộc’ gam này.
Ở level đầu tiên, phân biệt được 2 khái niệm này ở mức hiện tại cũng đã là đạt yêu cầu. Giai đoạn phát triển tiếp theo của quá trình tập luyện bạn sẽ có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn, khi đó sẽ hiểu bản chất và mối liên quan giữa chúng.
Còn nếu bạn là người ham thích tìm hiểu, muốn biết thêm thì tiếp tục với các phần tiếp theo sau đây.
Gam và Âm giai
Chỉ có 2 loại gam là Trưởng và Thứ, âm giai cũng tương tự.
Hầu hết các tác phẩm âm nhạc đều ở một gam cụ thể. Nếu chúng ta nói rằng một bài hát “ở Gam C”, điều này có nghĩa là nốt C nghe giống như “nốt chủ” (hoặc âm chủ ) của bài hát.
Tương tự như vậy, hầu hết các bài hát đều sử dụng các nốt nhạc trong một âm giai cụ thể – một tập hợp 7 nốt nhạc theo thứ tự từ thấp đến cao. Gam sẽ xác định âm giai gồm 7 nốt nhạc nào.
Trưởng
Các gam trưởng xác định nên các nốt nhạc của âm giai trưởng. Hầu hết mọi người có xu hướng coi âm giai trưởng là “vui vẻ” hoặc “tươi sáng”.
- Gam C xác định 7 nốt nhạc của âm giai C như sau: C, D, E, F, G, A, B
- Gam D xác định âm giai D là: D, E, F#, G, A, B, C#
Thứ
Hầu hết mọi người có xu hướng coi âm giai thứ là “buồn” hoặc “tối tăm”.
- Gam Am xác định 7 nốt nhạc của âm giai Am gồm: A, B, C, D, E, F, G
- Gam Bm xác định âm giai Bm là: B, C#, D, E, F#, G, A
Công thức của ‘vui’ và ‘buồn’ trong âm nhạc
Như bạn thấy các gam và âm giai khác nhau có 7 nốt nhạc khác nhau, điều này là do công thức tạo nên hai màu sắc đối lập đó trong âm nhạc. Công thức đó như sau:
- Trưởng:
- Từ nốt gốc, khoảng cách đến nốt thứ 2 là 1 cung
- Từ nốt thứ 2, khoảng cách đến nốt thứ 3 là 1 cung
- Từ nốt thứ 3, khoảng cách đến nốt thứ 4 là 1/2 cung
- Từ nốt thứ 4, khoảng cách đến nốt thứ 5 là 1 cung
- Từ nốt thứ 5, khoảng cách đến nốt thứ 6 là 1 cung
- Từ nốt thứ 6, khoảng cách đến nốt thứ 7 là 1 cung
- Từ nốt thứ 7, khoảng cách đến nốt thứ 8 (và cùng cùng tên với nốt gốc nhưng ở độ cao hơn một quãng tám) là 1/2 cung
- Thứ:
- Từ nốt gốc, khoảng cách đến nốt thứ 2 là 1 cung
- Từ nốt thứ 2, khoảng cách đến nốt thứ 3 là 1/2 cung
- Từ nốt thứ 3, khoảng cách đến nốt thứ 4 là 1 cung
- Từ nốt thứ 4, khoảng cách đến nốt thứ 5 là 1 cung
- Từ nốt thứ 5, khoảng cách đến nốt thứ 6 là 1/2 cung
- Từ nốt thứ 6, khoảng cách đến nốt thứ 7 là 1 cung
- Từ nốt thứ 7, khoảng cách đến nốt thứ 8 (và cùng cùng tên với nốt gốc nhưng ở độ cao hơn một quãng tám) là 1/2 cung
Từ nốt gốc cứ dựa theo công thức này ta sẽ có 7 nốt nhạc âm giai của gam tương ứng.
Dấu hoá trên khuông nhạc
Với các bạn muốn tìm hiểu thêm và đọc bản nhạc truyền thống thì đây là hệ thống dấu hoá đã được quy ước thống nhất trên hệ thống âm nhạc phương Tây.
Thứ tự và các gam tương ứng của nó như sau:
Với dấu ♯:
Dấu hoá | Dấu ♯ cuối | Gam trưởng | Gam thứ |
---|---|---|---|
![]() | F♯ | G | Em |
![]() | C♯ | D | Bm |
![]() | G♯ | A | F♯m |
![]() | D♯ | E | C♯m |
![]() | A♯ | B | G♯m |
![]() | E♯ | F♯ | D♯m |
![]() | B♯ | C♯ | A♯m |
Với dấu ♭:
Dấu hoá | Dấu ♭ cuối | Gam trưởng | Gam thứ |
---|---|---|---|
![]() | B♭ | F | Dm |
![]() | E♭ | B♭ | Gm |
![]() | A♭ | E♭ | Cm |
![]() | D♭ | A♭ | Fm |
![]() | G♭ | D♭ | B♭m |
![]() | C♭ | G♭ | E♭m |
![]() | F♭ | C♭ | A♭m |
Bạn không cần học thuộc những vấn đề này, thực hành nhiều lên bạn sẽ tự khắc nhớ.
Cập nhật mới nhất vào 10/05/2025 bởi
| Xuất bản: 25/08/2024